Việt Nam là quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nằm trong top đầu châu Á. Do vậy, kiểm toán môi trường sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro về môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng, cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ doanh nghiệp.
Trong những năm qua, môi trường đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều chính sách, quy định đã được Chính phủ ban hành nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, nhấn mạnh quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, đây là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Trước vấn đề môi trường hiện nay, kiểm toán môi trường (KTMT) được nhìn nhận như là một công cụ cung cấp các thông tin về môi trường, làm cơ sở cho các đánh giá khả năng rủi ro về môi trường mà doanh nghiệp gây ra, nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp, cũng như mức độ thỏa mãn đối với các tiêu chuẩn hoặc luật lệ về môi trường.
Không những thế, KTMT còn giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khỏe cộng đồng và cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ doanh nghiệp.
Đây là một trong những công cụ hỗ trợ cho việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức sản xuất – kinh doanh trong bảo vệ môi trường bền vững.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, KTMT là một phương pháp kiểm tra thông tin môi trường về một tổ chức, một cơ sở hoặc một trang web để xác minh số liệu, hoặc ở mức độ nào đó chúng tuân theo các tiêu chí kiểm toán cụ thể. Các tiêu chí có thể dựa trên các tiêu chuẩn môi trường địa phương, quốc gia hoặc toàn cầu. Vì vậy, nó là một quá trình có hệ thống thu thập và đánh giá thông tin về các khía cạnh môi trường (ASOSAI, 2013, trang 9).
Còn theo Tổ chức Kiểm định các Tổ chức Kiểm toán Tối cao Quốc tế (INTOSAI) định nghĩa: KTMT không khác biệt đáng kể so với kiểm toán thông thường như được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán tối cao (SAI). KTMT có thể bao gồm tất cả các loại kiểm toán, tức là, kiểm toán tài chính, tuân thủ và hoạt động. Đối với kiểm toán hoạt động, nguyên tắc 3E vẫn được đảm bảo thực hiện.
Nghiên cứu cho thấy, các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật về bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường thường rất đa dạng. Theo đó, KTMT không chỉ là kiểm toán hoạt động mà có thể coi là loại hình kiểm toán tổng hợp cả 3 loại: Kiểm toán hoạt động; Kiểm toán tuân thủ; và Kiểm toán báo cáo tài chính. Đồng thời, đơn vị được kiểm toán không chỉ là một tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có thể bao gồm cả đơn vị, tổ chức quản lý hành chính (một địa phương, một quốc gia, khu vực hoặc quốc tế) tùy theo mục đích và phạm vi của cuộc kiểm toán.
Một cuộc KTMT có thể là kiểm toán chuyên đề hoặc kiểm toán toàn diện. Thông thường, nếu cuộc kiểm toán ở phạm vi rộng thì thường là kiểm toán chuyên đề, chẳng hạn như: Kiểm toán theo các nhân tố cấu thành nên ô nhiễm môi trường như kiểm toán lưu lượng và nồng độ khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại của một nhà máy nào đó hoặc các nhà máy tại một địa phương, một quốc gia, một khu vực; Kiểm toán năng lượng; Kiểm toán các chất thải bệnh viện; Kiểm toán các chương trình môi trường của quốc gia…; hay Kiểm toán việc quản lý và sử dụng các khoản thu – chi, công tác lập, phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp môi trường… Nếu cuộc kiểm toán ở phạm vi hẹp, có thể là cuộc kiểm toán chuyên đề hay kiểm toán toàn diện về việc tổ chức, quản lý môi trường (hệ thống trang thiết bị và quá trình hoạt động) của một đơn vị.
———————————————————————————————————————
|
|||||||